01:37:41
Từ chạy bàn trở thành... võ sư

Cứ như là cổ tích, nhưng đây lại là câu chuyện có thật, rất cảm động về cậu bạn Nguyễn Thái Bình, lớp 12/14, trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre.

Một tuổi thơ dữ dội 

1 giờ vào học nhưng 3 giờ chiều mới thấy Bình đến lớp. Hớt hơ hớt hải trong bộ dạng không còn gì...thảm hơn: Chiếc áo rách bươm, tóc tai bù xù, mặt mũi tèm lem, mắt đỏ hoe sau một trận khóc dữ dội. Ai cũng hiểu, Bình mới bị cha dượng đánh. Chuyện này không còn gì lạ nữa.

Ôm Bình vào lòng, vỗ về cho dịu bớt cơn đau, rồi cô giáo đưa Bình vào chỗ ngồi. Chờ cho Bình dừng hẳn cơn nấc, cô mới kêu Bình cởi áo. Sau đó, cô vừa giảng bài, vừa khâu áo cho Bình. Đó là hình ảnh quen thuộc trong quãng thời gian học cấp I của Bình.

Không biết mặt cha từ khi mới sinh ra, cuộc đời của một đứa trẻ bị bỏ rơi đã khổ lại càng khổ hơn khi Bình lên 5 tuổi thì mẹ đi bước nữa. Bình bị cha dượng đối xử vô cùng thậm tệ, bắt làm tất cả mọi việc. Mẹ đi bán suốt nên cha dượng càng có dịp hành hạ. Cha dượng đánh đập, cấm Bình tới lớp. Nhưng vì ham học, cậu bé vẫn tìm cách lẻn đi. Vì thế, mỗi lần đến lớp là mỗi lần thân thể bầm dập. “Giờ trên đầu mình còn rất nhiều sẹo”, vừa dứt lời, một giọt nước mắt không kìm được rớt xuống má Bình.

Nhưng Bình cũng không bị cha dượng hành hạ mãi. Cảnh nhà quá túng thiếu, cha dượng bỏ đi. Cuộc đời Bình chẳng lấy thế làm sung sướng hơn khi mẹ thường xuyên bị các cơn đau tim hành hạ. Mẹ không đi bán được nữa. Có lần, mẹ đau tưởng sắp mất. Thương mẹ, cậu bé 14 tuổi đánh liều đến các quán ăn ở lộ lớn xin chạy bàn. Người ta làm việc tới 10 giờ là nghỉ nhưng “thằng nhóc nhỏ xíu” thường làm tới 12 giờ đêm, chỉ để đổi lấy 400 ngàn/tháng, có tiền lo cho mẹ.

Kì tích của một ý chí kiên cường

9 giờ đêm, võ sư Thu Vân nghe tiếng gọi. Mở cửa ra, thấy một thằng nhóc còm nhom, nhỏ xíu. “Con mới ở dưới Bến Tre lên nè cô!”, mặt thằng bé sáng lên. “Úi giời, cô có biết con là ai đâu chứ!”, mặc dù trả lời thế nhưng võ sư Thu Vân không đuổi thằng bé đi. Kể lại cho MT nghe buổi gặp đầu tiên của mình với người cô - võ sư Nguyễn Thu Vân, Bình cười toe.

Niềm đam mê võ thuật lớn dần trong Bình. Khi mẹ khỏe hơn, Bình đập heo, gom hết số tiền dành dụm được 192 ngàn tiền cắc, quyết định hè năm lớp 10 lên thành phố xin học võ. “Nghĩ lại thấy cũng liều, lúc đó mình chưa biết Sài Gòn là thế nào, cũng không có bà con thân thích. Chỉ nghĩ mình sẽ vừa làm bồi bàn vừa học. Nhưng mọi việc không đơn giản như thế...”, Bình nói.

“Dân gì mà lúa thế không biết?”, “Thông cảm đi, từ lúa lên thiệt mà”, “Ha ha ha...” - Đó là những câu mà Bình thường xuyên phải nghe từ nhiều sư huynh đệ. “Nhịn nhục và nhịn nhục, tất cả vì võ thuật”, Bình luôn tâm niệm thế. Cũng vì ý chí và niềm đam mê quá lớn đó mà Bình được cô rất thương. Kinh nghiệm tích lũy được trong 55 năm tuổi nghề, võ sư Thu Vân truyền hết cho Bình. Không chỉ dạy miễn phí, cô còn cho Bình ở lại nhà. Không phụ lòng cô, chỉ trong vòng 2 tháng, Bình đã lập được một kì tích: đạt cấp đai 16/18 (tương đương với HLV võ thuật cổ truyền VN) - cấp đai mà mọi người thường phải tập luyện trong nhiều năm! Chính cô Thu Vân cũng ngạc nhiên về sự tiến bộ quá nhanh của Bình.

Một sư phụ đầy bản lĩnh

Học được một thời gian, Bình được võ sư Thu Vân “cắt cử” lên làm HLV ở KP.6, Cộng Hòa. Sự nghiệp đứng lớp của Bình bắt đầu từ đó. Sáng học được bao nhiêu là tối truyền lại hết cho học trò.

Sau mùa hè năm đó, Bình về lại Bến Tre, mở lớp dạy võ miễn phí. Ngày đầu tiên chỉ có 3 môn sinh, là 3 người bạn thân nhất của Bình. Các bạn không hiểu, thấy Bình tập cứ đứng cười suốt. Nhưng tập riết, các bạn mê và rủ thêm những người khác. Nhưng, mọi việc không hề suôn sẻ. Một số tay quậy trong xóm thấy thằng nhóc còi tự nhiên làm võ sư, bèn kéo tới gây hấn. Phải bản lĩnh lắm, Bình mới bảo vệ và duy trì được lớp tới giờ.

Mặc dù còn trẻ nhưng Bình rất nghiêm túc trong giảng dạy. Bình nói: “Dạy võ, trước hết là dạy đạo đức làm người”. Bình không cho phép môn sinh gây gổ, chửi tục. “em” nào viện cớ học mà trốn đi chơi, Bình cho nghỉ luôn. Bình nói “Mình làm nghiêm chỉ vì không muốn các em ỷ mạnh cậy thế hay dính vào các tệ nạn xã hội”.

Hiện giờ, dù đang học 12, Bình vẫn “ôm sô” đến 5 lớp dạy võ miễn phí: một lớp cho thanh niên địa phương (40 người), một đội lân phục vụ cho bà con vào các dịp Lễ, Tết (20 người), một lớp dân quân xã Tân Thành Bình (25 người), một lớp dưỡng sinh người cao tuổi (40 người), một đội lân nữ người lớn (12 người). Đến 20/11, Bình cũng nhận được nhiều hoa từ học trò, mà học trò của Bình có người đến... 70 tuổi! 

***

Nhà ở tận huyện Mỏ Cày, sáng nào cũng phải dậy sớm đạp xe đi học, 6 giờ tối mới trở về đứng lớp, Bình miệt mài dạy võ đến 9, 10 giờ.Về đến nhà, ôn bài vở chút xíu, Bình đi ngủ để 2, 3 giờ sáng dậy học tiếp. Bình chia sẻ: “Ước mơ của mình là đậu vào ĐH TDTT TW2 hoặc ĐH Hồng Bàng (nơi võ sư Thu Vân giảng dạy). Mình không dám chểnh mảng việc học hành, mình làm thầy mà học không ra gì thì ai còn nghe!”.

Category: Báo đài | Media | Views: 234 | Added by: vobinhnamdao | Tags: Nguyễn Thái Bình, Võ phái Bình Nam Đạo, Từ chạy bàn trở thành... võ sư, Trưởng môn, Chuẩn võ sư | Rating: 5.0/1
Total comments: 1
avatar
0
1 vobinhnamdao • 22:17:07, 18/07/2019
Bài báo này được viết khi tôi còn đang học phổ thông (cấp 3), lúc đó khoảng năm 2008 - 2009
avatar