18:35:11
Lịch sử Vĩnh Xuân quyền: Huyền thoại và sự thật

Phim Diệp Vấn- một bộ phim về Vịnh Xuân quyền.

VOV.VN - Sau thành công của bộ phim Diệp Vấn 3 mới đây, dường như có thêm nhiều người quan tâm đến lịch sử môn võ Vịnh Xuân

LTS: Trên thế giới hiệu nay Vịnh Xuân quyền có hàng triệu đệ tử và hàng chục hệ phái. Cho đến nay, những cứ liệu lịch sử chính xác về quá trình hình thành, phát triển của môn phái vẫn còn chìm trong mây mù của thời gian. Hầu hết thông tin lịch sử môn phái đều được truyền miệng giữa các đời truyền nhân nên có nhiều khác biệt giữa thực tế và giai thoại mang tính truyền thuyết. Bài viết dưới đây đưa ra những dẫn chứng và lập luận của tác giả Châu Hồng Lĩnh, một người có khá nhiều năm tập luyện và nghiên cứu môn võ này. Châu Hồng Lĩnh là người Việt, chuyên gia công nghệ thông tin, hiện định cư tại Mỹ.

Hầu hết các võ sư và người luyện tập môn Vĩnh Xuân (永春), còn gọi là Vịnh Xuân (詠春) đều được nghe kể về nguồn gốc của môn phái như sau: Vào thời Càn Long, quân đội Mãn Thanh hỏa thiêu chùa Thiếu Lâm, là nơi các cao tăng đào tạo võ thuật cho các sư sãi, nhân sĩ, trí thức và chiến sĩ của phong trào "Phản Thanh phục Minh". Có năm cao thủ đã đột vây đào tẩu trong cuộc chiến hỏa thiêu Thiếu Lâm tự là Chí Thiện Thiền sư, Ngũ Mai Lão ni, Phùng Đạo Đức, Bạch Mi đạo nhân và Miêu Hiển. 

Do võ thuật Thiếu Lâm tự đã bị bọn phản đồ tiết lộ cho quân đội Mãn Thanh, nên trên đường trốn chạy, Ngũ Mai Lão ni phải luôn luôn tìm kiếm một phương pháp chiến đấu mới để khắc chế võ thuật của kẻ địch. Tương truyền rằng khi chứng kiến một cuộc chiến đấu giữa hạc và cáo (có thuyết là giữa hạc và rắn), Ngũ Mai Lão ni đã ngộ ra một môn quyền thuật mới hiệu quả hơn quyền thuật Thiếu Lâm truyền thống.

Trên đường đến vùng Vân Nam, bà đã gặp một cô gái là Nghiêm Vịnh Xuân làm nghề bán đậu phụ, sống với cha, và đang bị một tên lục lâm thảo khấu ép buộc phải cưới hắn. Bà đã dạy cho Nghiêm Vịnh Xuân môn quyền thuật do bà mới sáng tạo ra. Nhờ vào môn quyền thuật này, Nghiêm Vịnh Xuân đã chiến thắng tên cướp trong một trận quyết đấu. Sau đó, Vịnh Xuân kết hôn với Lương Bác Trù, truyền dạy môn võ thuật này cho chồng, và lưu truyền dưới tên gọi Vịnh Xuân quyền. Theo thời gian, dòng Vịnh Xuân quyền của Lương Bác Trù có sự giao thoa, trao đổi với dòng Võ thuật của Hồng thuyền Hội quán của Hoàng Hoa Bảo, Lương Nhị Đệ, Đại Hoa Diện Cẩm ..., là những người đã được chân truyền của Chí Thiện thiền sư. Sự giao thoa, kết hợp này đã tạo nên đa số các dòng Vĩnh Xuân hiện đại ngày nay.

Môn Vĩnh Xuân được bắt đầu phổ biến vào khoảng 1800 - 1850, vào đời Gia Khánh nhà Thanh.

Nhưng theo những tài liệu lịch sử, di tích khảo cổ và theo lịch sử lưu truyền trong một số dòng Vĩnh Xuân ở Phúc Kiến và Phật Sơn Trung quốc (một vài ví dụ trong số đó là Bành Nam Vĩnh Xuân, Chí Thiện Vĩnh Xuân và Hồng Hoa Nghĩa Vĩnh Xuân), và theo những thông tin từ các tổ chức bí mật như Hồng Hoa hội, Thiên Địa hội, Tam Hoàng ..., đồng thời theo những nghiên cứu mới nhất của Bảo tàng Vĩnh Xuân Hongkong (Dòng Diệp Vấn - Yip Man) thì huyền thoại về Ngũ Mai Lão ni và Nghiêm Vịnh Xuân nói trên chỉ là... huyền thoại. 

Muốn tìm về nguồn gốc của môn Vĩnh Xuân, người ta phải tìm về lịch sử Trung quốc thời kỳ quân đội Mãn Thanh vượt qua biên ải, giết Sấm vương Lý Tự Thành là kẻ đã thoán ngôi của Hoàng đế Sùng Trinh nhà Minh, lập nên triều đại nhà Thanh thống trị Trung quốc hơn 300 năm. Sự thống trị của triều đình ngoại bang đã làm dấy lên trong phong trào "Phản Thanh phục Minh" nhằm lật đổ triều đình Mãn Thanh và khôi phục nhà Minh trong mọi tầng lớp nhân dân Trung quốc. Các tướng lĩnh quân sự và quan lại nhà Minh chạy trốn quân đội Mãn Thanh đã cải trang, lẩn trốn trong nhân dân. Rất nhiều trong số đó đã chọn các đền chùa làm nơi ẩn náu, và đã lợi dụng khả năng về võ thuật và tinh thần yêu nước của giới tăng nhân, đạo sĩ để biến đền chùa, miếu mạo thành những trung tâm tuyên truyền, liên lạc và đào tạo lực lượng phản Thanh phục Minh. Các ngôi chùa Thiếu Lâm tại Trung quốc cũng không ra khỏi ngoại lệ này. 

Tiếp đó, chúng ta cần phải xem xét về lịch sử các ngôi chùa Thiếu Lâm tại Trung quốc. Ở Trung quốc, không chỉ có một ngôi chùa Thiếu Lâm như nhiều người vẫn tưởng. Ngôi chùa Thiếu Lâm được giới võ lâm coi là ngôi chùa Thiếu Lâm chính thức tọa lạc tại ngọn Thiếu Thất, dãy Tung Sơn, tỉnh Hà Nam, được xây vào năm thứ 20 đời Thái Hòa nhà Bắc Ngụy. Đây chính là nơi Bồ Đề Đạt Ma đã tới tu hành, diện bích chín năm và lập ra Phật giáo Thiền tông Trung Hoa. Còn có chùa Bắc Thiếu Lâm ở Bàn Sơn, là nơi chỉ chuyên nghiên cứu về y lý và Phật học, không nghiên cứu võ thuật. 

Ngoài ra có ba ngôi chùa Nam Thiếu Lâm, một tại Bồ Điền (hay còn gọi là Phủ Điền), một tại Toàn Châu và một tại Phúc Thanh, đều thuộc tỉnh Phúc Kiến, miền nam Trung quốc. Trong đó, ngôi chùa Nam Thiếu Lâm tại Bồ Điền, xây vào thời Nam Bắc Triều (khoảng 557 sau Công nguyên), bị vua Khang Hy đốt vào khoảng cuối thế kỷ 17 (vào khoảng 1673 - 1691, theo nhiều tài liệu lịch sử khác nhau), là nơi đã phát xuất môn Vĩnh Xuân quyền. Ngôi chùa Nam Thiếu Lâm Toàn Châu bị vua Càn Long đốt vào khoảng năm 1763. Có thuyết cho rằng chùa này bị đốt hai lần, một lần do vua Ung Chính, một lần do vua Càn Long, nhưng không có căn cứ lịch sử. Một ngôi chùa Nam Thiếu Lâm khác được Bộ Văn hóa và Khảo cổ Trung quốc công nhận là chùa Nam Thiếu Lâm Phúc Thanh. 

Ngôi chùa Nam Thiếu Lâm tại Bồ Điền được Bộ Văn hóa và Khảo cổ Trung quốc nghiên cứu và công nhận vào khoảng năm 1992, và được phục chế vào khoảng 2001 - 2005. Tại ngôi chùa này, khi khai quật, người ta đã tìm thấy những di tích liên quan tới các tổ chức phản Thanh phục Minh như Thiên Địa hội, Hồng Hoa đình, Vĩnh Xuân đường. 

Vào thời kỳ này, có một số phản đồ Thiếu Lâm đã tiết lộ võ thuật Thiếu Lâm cho quân đội Mãn Thanh. Do đó, lực lượng phản Thanh phục Minh cần phải có một phương pháp chiến đấu khác hữu hiệu hơn võ thuật Thiếu Lâm truyền thống. Đồng thời, quân đội Minh triều đã tan rã, nên giới tướng lĩnh quân sự Minh triều và giới lãnh tụ khởi nghĩa cần phải có một phương pháp huấn luyện mới thật hiệu quả, nhanh chóng để trong một thời gian ngắn có thể đào tạo ra một lực lượng chiến đấu đủ sức chống lại quân đội Mãn Thanh thiện chiến. Chính tại Vĩnh Xuân Đường của ngôi chùa Nam Thiếu Lâm Bồ Điền, Nhất Trần đại sư (Yat Chum dai si), là người đã dẫn một số tăng lữ cao thủ từ chùa Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam đến, cùng với những tướng lĩnh quân sự nhà Minh chạy trốn sự truy sát của quân đội Mãn Thanh, trong đó nổi bật nhất là Trương Ngũ (còn gọi là Tản Thủ Ngũ - Cheng Ng, Tan Sau Ng - theo tên gọi của kỹ thuật Tản Thủ trong Vĩnh Xuân) đã nghiên cứu và sáng tạo ra một môn khoa học chiến đấu mới sau này mang tên gọi là Vĩnh Xuân- Mùa Xuân vĩnh hằng. 

Môn Vĩnh Xuân quyền được phát triển dựa trên việc rút tỉa các kỹ thuật chiến đấu hiệu quả nhất của Nam Thiếu Lâm, kết hợp với tinh hoa chiến đấu của giới tướng lĩnh quân sự nhà Minh, để vượt lên khỏi giới hạn là một môn võ thuật, trở thành một môn Khoa học Chiến đấu. Kỹ thuật Vĩnh Xuân nhấn mạnh vào tính đơn giản, hiệu quả, trực tiếp, tận dụng tối đa cấu trúc của cơ thể, các nguyên tắc về thư giãn và thăng bằng. Chiến thuật Vĩnh Xuân dựa trên sự nghiên cứu và vận dụng chặt chẽ các nguyên lý về y học, khí công, nội lực, tính hiệu quả về khoảng cách, nguyên lý vận động. Chiến lược Vĩnh Xuân nghiên cứu và vận dụng một cách khoa học về không gian, thời gian, ý, khí, lực, kình, kiểm soát và vận dụng không thời gian và công lực để mang lại hiệu quả tối đa trong chiến đấu với cố gắng tối thiểu. Đồng thời, những bậc cao thủ sáng tạo ra môn Vĩnh Xuân cũng tạo ra hai phương pháp huấn luyện độc lập. Phương pháp thứ nhất là Huấn luyện về khoa học, nguyên tắc, khái niệm cho các lãnh tụ, tướng lĩnh, là những người có trách nhiệm huấn luyện và đào tạo lực lượng. Phương pháp thứ hai là Huấn luyện kỹ thuật, thông qua việc học tập và rèn luyện kỹ thuật, tập đi tập lại liên tục, để đào tạo ra lực lượng chiến đấu thực dụng, hiệu quả, có thể tham gia chiến trận được ngay. Hai phương pháp huấn luyện này được sử dụng một cách nhất quán trong suốt quá trình huấn luyện lực lượng chiến đấu phản Thanh phục Minh qua nhiều thế hệ khác nhau của Hồng Hoa hội, trong môn phái Hồng Hoa Nghĩa Vĩnh Xuân quyền. Trong các dòng Vĩnh Xuân hiện đại, tùy theo nguồn gốc xuất thân và sự cảm thụ riêng của từng người mà phương pháp huấn luyện trở thành khác nhau. 

Một thể hiện về việc vận dụng hai phương pháp huấn luyện khác nhau có thể được ghi nhận vào thời kỳ sau này là phương pháp truyền dạy Vĩnh Xuân của Vĩnh Xuân quyền vương Lương Tán. Ông là đệ tử của hai cao thủ trong Hồng Thuyền hội quán là Hoàng Hoa Bảo và Lương Nhị Đệ. Sau này, khi ông dạy Vĩnh Xuân ở Phật Sơn cho những bậc thân hào, nhân sĩ, ông đã dùng phương pháp huấn luyện cơ bản Tiểu Niệm Đầu (Siu Nim Tau - Những ý tưởng nhỏ lúc ban đầu), là phương pháp dạy toàn bộ cả y lý, cấu trúc cơ thể, khoa học về không thời gian, động lực học, nguyên tắc âm dương, ngũ hành. Về sau, khi về hưu tại quê nhà ở làng Cổ Lao, ông lại dạy căn bản cho những học trò tại làng Cổ Lao theo phương pháp Tiểu Luyện Đầu (Siu Lil Tau - Những luyện tập nhỏ lúc ban đầu), chủ yếu nhấn mạnh vào việc lặp đi lặp lại cho đến mức thành thục một hệ thống chọn lọc các vận động về luyện nội lực, quyền cước cho đến khi có khả năng chiến đấu, và cách vận dụng kỹ thuật trực tiếp vào chiến đấu. 

Sau khi truyền ra khỏi Vĩnh Xuân đường của Nam Thiếu Lâm, hai hệ thống Tiểu Niệm Đầu và Tiểu Luyện Đầu trở nên tam sao thất bản, nên mỗi dòng Vĩnh Xuân đào tạo một khác và có ý kiến khác nhau về phần nền móng căn bản của môn Vĩnh Xuân. 

Khi quân đội Mãn Thanh dưới triều vua Khang Hy hỏa thiêu chùa Nam Thiếu Lâm Bồ Điền, đốt ra tro Hồng Hoa đình, san bằng Vĩnh Xuân đường, những cao thủ Vĩnh Xuân thoát khỏi sự truy sát của triều đình đã đổi tên môn phái từ Vĩnh Xuân - Mùa xuân vĩnh hằng (Everlasting Spring) sang Vịnh Xuân - Ca ngợi mùa xuân (Praise Spring) và rút vào hoạt động bí mật, với ý định sau khi tiêu diệt nhà Thanh, dựng lại nhà Minh thì sẽ xây dựng lại chùa Nam Thiếu Lâm, khôi phục Vĩnh Xuân đường và lấy lại tên chính thống của môn phái. Dự định này đã không bao giờ thành hiện thực, vì nhà Minh không bao giờ được khôi phục. Từ đó, môn phái mang cả hai tên Vĩnh Xuân và Vịnh Xuân, tùy theo dòng họ, hệ phái. 

Sau vụ Hỏa thiêu Nam Thiếu Lâm, môn phái Hồng Hoa Nghĩa Vĩnh Xuân quyền được lưu truyền bí mật trong phạm vi Hồng Hoa hội, và được dạy ra bên ngoài cho một số lực lượng chiến đấu và quần chúng dưới tên gọi Vịnh Xuân quyền. Trương Ngũ, người sau này chạy thoát về vùng Phật Sơn, thành lập Hồng Hoa hội quán ở đây được coi là ông tổ đời thứ nhất của Hồng Hoa Nghĩa Vĩnh Xuân quyền, đồng thời là ông tổ của nghệ thuật kinh kịch miền Nam Trung quốc. Thông tin về Trương Ngũ có thể được tìm thấy trong tài liệu lịch sử về Lịch sử kinh kịch Trung quốc và Nghệ thuật kinh kịch miền Nam Trung hoa. Về sau, Trương Ngũ do trốn chạy sự truy sát của triều đình Mãn Thanh, phải về thoái ẩn trong một gia đình thế phiệt họ Trần, và truyền dạy toàn bộ hệ thống Hồng Hoa nghĩa Vĩnh Xuân quyền cho gia đình này, cho đến một truyền nhân khá nổi tiếng trong giới lãnh tụ khởi nghĩa là Hồng Cân Bửu. 

Một số cao thủ dưới sự đào tạo của Chí Thiện thiền sư trốn chạy khỏi vụ hỏa thiêu Nam Thiếu Lâm gia nhập vào các con thuyền kinh kịch ngược xuôi miền Nam Trung hoa. Tại đây, họ cũng truyền dạy hệ thống chiến đấu có tên gọi là Chí Thiện Vịnh Xuân quyền. Tuân theo lời thề giữ bí mật của Vĩnh Xuân đường, họ đã không truyền lại toàn bộ hệ thống Vĩnh Xuân.

Về sau, do hoạt động khởi nghĩa, Hồng Cân Bửu có sự tiếp xúc với Hồng Thuyền Hội quán, và tạo nên sự giao thoa một lần nữa giữa một hệ thống Vĩnh Xuân hoàn chỉnh của Vĩnh Xuân nguyên gốc và Chí Thiện Vịnh Xuân. Nhưng theo như những tài liệu gia truyền trong dòng Chí Thiện Vĩnh Xuân và Hồng Hoa nghĩa Vĩnh Xuân, bên ngoài sự bí mật của Hồng Hoa hội, không một dòng Vịnh Xuân nào được truyền toàn bộ hệ thống Vĩnh Xuân như một Khoa học Chiến đấu nguyên gốc từ Vĩnh Xuân đường. 

Mãi sang tới thế kỷ hai mươi, truyền nhân đời thứ tám của Hồng Hoa nghĩa Vĩnh Xuân quyền là Chu Kính Hùng mới nghiên cứu, trao đổi và thảo luận với các cao thủ Vĩnh Xuân tại Phật Sơn, Trung quốc và nhiều miền khác, để công bố rộng rãi toàn bộ hệ thống Vĩnh Xuân. Tuy nhiên nhiều người dạy và luyện tập Vĩnh Xuân ít chú ý trao đổi thông tin, giao lưu, du lịch, tham khảo các môn phái và phả hệ ... thì vẫn không để ý tới những thông tin này. 

Sau khi chùa Nam Thiếu Lâm Bồ Điền bị hỏa thiêu, các cao thủ Vĩnh Xuân rút vào bí mật và môn phái được đổi tên thành Vịnh Xuân. Huyền thoại về Ngũ Mai lão ni và Nghiêm Vịnh Xuân được đặt ra để che giấu sự bí mật của nguồn gốc môn phái, và để có thể truyền dạy môn phái rộng rãi ra đại chúng. Chữ Nghiêm được đặt thêm vào trước tên Vịnh Xuân, chính là để nhắc nhở về lời thề giữ bí mật của Vĩnh Xuân đường. 

Lý Tiểu Long, truyền nhân nổi tiếng của Vịnh Xuân quyền, với cú đấm lừng danh. ảnh tư liệu

Về sau, từ Hồng thuyền Hội quán và các cao thủ Vịnh Xuân khác, môn Vịnh Xuân bắt đầu được phổ biến rộng rãi trong dân gian, và cho ra đời rất nhiều hệ phái Vịnh Xuân khác nhau. Sau thời kỳ Hồng thuyền Hội quán, tài liệu về phả hệ các dòng Vịnh Xuân phổ biến trong quần chúng có khá đầy đủ, và được ghi chép trong nhiều tài liệu lịch sử khác nhau.

Tuy nhiên, nguồn gốc ban đầu của môn Vĩnh Xuân - theo như nhiều người luyện Vịnh Xuân quyền - vẫn còn nằm trong màn sương khói. Tất nhiên là chỉ trừ đối với một số người chịu khó đọc tài liệu lịch sử tiếng Anh, tiếng Hán, giao lưu với nhiều dòng Vĩnh Xuân khác nhau trên thế giới và nói được tiếng Quảng Đông./.

  • CTV Châu Hồng Lĩnh/VOV.VN (Theo Báo VOV)
Category: Tạp chí | Magazine | Views: 303 | Added by: vobinhnamdao | Tags: Võ phái Bình Nam Đạo, Lịch sử Vĩnh Xuân quyền: Huyền thoạ, Binh Nam Dao School, Vịnh Xuân Quyền | Rating: 5.0/1
Total comments: 1
avatar
0
1 vobinhnamdao • 17:32:08, 24/07/2019
Sự thật đằng sau sự huyền bí
avatar