Minh họa Cố Đại Lão Võ sư Ngô Bông (Ảnh Báo Người Lao động)
Ngày đó, khi tôi vừa tròn mười tám, ước ao chạm mốc đôi mươi để được dự thi Hoàng đai tam đẳng (Huấn luyện viên Trung cấp - Cấp 15/18 lúc bấy giờ). Rồi ngày đó cũng đến, tôi khăn gối lên đường sang miền đất được mệnh danh là Tây Đô (tức là thành phố Cần Thơ).
Đây là lần đầu tiên đi thi đẳng cấp quốc gia nên tôi rất ngỡ ngàng và lo lắng. Đặc biệt khi đó tuổi đời của tôi còn quá ư là non nớt và khờ dại.
Tôi và các thí sinh tham dự khóa thi khi đó được Ban Tổ chức bố trí ở tạm tại Kí túc xá của một trường Cao đẳng thuộc bến Ninh Kiều xa hoa, tráng lệ.
Tại đây, có cơ duyên nên tôi được gặp các anh em đồng hương của tôi là các vị võ sư, huấn luyện viên của đơn vị tỉnh Bến Tre (quê hương Đồng Khởi) nên tôi rất đỗi vui mừng và nhanh chóng bắt chuyện tâm giao. Nhưng có một điều đáng buồn là họ không mấy thân thiện khi giao tiếp, vì có lẽ họ xem tôi là một thằng con nít không hơn không kém.
.
Kì thi năm đó cũng cùng đợt tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ Trọng tài, Giám khảo và Huấn luyện viên nên chúng tôi ở lại gần một tuần lễ.
Mỗi sáng tôi điều ra sân ôn luyện chiêu thức 10 Bài quy định quốc gia cho thuần thục, trơn tru và có kình lực.
Cũng như bao ngày trước, tôi bước ra sân với chiếc trường côn định tập lại bài Thái sơn thảo pháp thì thấy ở xa xa có một ông lão mắt sáng hoắc, tay cầm độc thương múa chiêu thức nhanh gọn và đầy uy lực khác gì Triệu Tử Long thời Tam quốc chiến bên Tàu (Trung Hoa).
Chốc chốc tôi lại thấy ông chống đốc thương xuống đất mặc kệ gù thương bung tỏa trong gió rồi lại buông xuôi như bông dụ, hoa tuyết... để hít thở thật sâu rồi vận lực thở ra theo phương pháp khí công bốn thì (nạp - vận - bế - xả), đôi má ông tóp lại, môi ông mím chặt thở ra cho đến khi bụng lép xẹp.
Rồi ông xuống Trung bình tấn, hai tay nắm quyền chắc nịch đầy gân guốc, vòng chỏ lại câu tay đặt hai nắm quyền ở hai bên Thái dương, mắt mở to hướng về phía mặt trời mọc hừng đông.
Lúc đấy tôi không biết ông ta luyện môn công phu gì và ông ấy là ai? Tôi chỉ nghĩ ông là một thí sinh như mình thôi.
Mặt trời bắt đầu nhô cao, xuyên qua những rạng cau xanh rù rì trong gió mùa thu. Lúc này có một nhóm bạn trẻ, tuổi trạc tuổi tôi và xê xích đôi chút chạy ùa tới ông lão đang múa Độc thương thảo pháp. Ông lão dừng lại nở nụ cười thân thiện với các bạn trẻ. Rồi tôi thấy ông viết viết, kí kí gì đó trong những cuốn sổ tay nho nhỏ. Tôi tự đặt câu hỏi: Ông ấy là ai? Tại sao lại được các bạn ấy xin chữ kí? Sao mà giống minh tinh màn bạc thế không biết?
Tôi cũng không hiểu tại sao lúc đó mình không chạy lao lại với mọi người mà lại đứng yên ở đằng xa trông lại với nỗi lòng ngổn ngang bao câu hỏi tự vấn. Nói thật đến bây giờ tôi vẫn còn có cảm giác hối tiếc về điều đó. Đặc biệt là khi tôi đã biết được ông ấy là ai.
.
Và đó cũng là lần cuối cùng tôi được gặp ông lão. Ông là một Lão võ sư đáng kính trọng không chỉ trong lòng tôi mà còn trong tâm trí và sách báo của bao thế hệ đi trước và sau như một nhân vật huyền thoại trong dòng chảy của lịch sử võ học Việt Nam.
Ngày đó, tôi chỉ ở xa nhìn ông lão thôi đó mà lòng mình đã muôn vàn nể phục. Và càng khâm phục hơn là nhân cách sống của ông lão - Vị Trưởng lão của làng võ Việt Nam và thế giới.
Tôi tự nhủ lòng mình cố công mày sắt đợi ngày thành kim như ông lão vẫn kiên trì tập luyện và truyền dạy cho con cháu mai sau những giá trị nhân văn và thượng võ.
Tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh ông lão tay cầm trường thương, mắt hướng thái dương, đường đường oai vệ ở bến Ninh Kiều miền Tây Đô thành:
Lão sư tên họ là chi?
Trường thương độc vũ oai nghi giữa trời
Trẻ con chẳng thốt nên lời
Tạc lòng khâm phục cả đời noi gương.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 7 năm 2019
VÕ PHÁI BÌNH NAM ĐẠO
TRƯỞNG MÔN
Chuẩn Võ sư Nguyễn Thái Bình
(Còn tiếp phần 2)
|